Các nhà đầu tư đưa tiền cho những nhà phát triển xài biệt danh. Các quỹ đầu tư mạo hiểm crypto “back” những người sáng lập mà không cần biết tên thật của họ. Điều gì xảy ra khi người ta cần biết những thông tin này?
Vào một ngày cuối tháng 1, cộng đồng DeFi thức dậy với một thông tin sững sờ: 0xSifu – thành viên cốt cán và giám đốc tài chính của Wonderland – chính là Michael Patryn – người đã từng ngồi tù liên bang 18 tháng vì tội lừa đảo. Ngay lập tức, giá của $TIME (token của Wonderland) đã lao dốc chỉ sau một đêm khi những nhà đầu tư vào Wonderland hoảng loạn tranh cãi về việc đóng cửa dự án.
Đây không phải lần đầu tiên tình trạng ẩn danh trong crypto trở thành chiếc áo choàng hoàn hảo cho những phi vụ ám muội, nhưng vụ việc Wonderland bên bờ vực sụp đổ lần này làm dấy lên câu hỏi: Văn hóa ẩn danh có làm suy yếu trách nhiệm giải trình và tạo điều kiện cho lừa đảo hay không?
1. Ẩn danh trong Crypto như lớp bảo vệ
Ngay từ khi khởi thuỷ, ngành công nghiệp tiền điện tử đã được xây dựng dựa trên tính ẩn danh. Bitcoin được hình thành cách đây hơn một thập kỷ bởi một nhân vật bí ẩn có biệt danh Satoshi Nakamoto. Trong nhiều năm, những tên trộm và những kẻ buôn bán ma túy đã sử dụng tiền điện tử để kinh doanh trong bóng tối.
Khả năng hoạt động ẩn danh là nguyên lý trung tâm của công nghệ tiền điện tử. Tất cả các giao dịch tiền điện tử được ghi lại trên các hệ thống sổ cái phi tập trung được gọi là blockchain, cho phép người dùng giao dịch mà không cần tên, không cần đăng ký tài khoản ngân hàng hoặc tương tác với bên trung gian thứ ba.
Giờ đây, khi tiền điện tử ngày càng trở thành một ngành công nghiệp chính thống, ngay cả những nhân tố hợp pháp như nhà sáng lập, kỹ sư và nhà đầu tư của các dự án – cũng nhất quyết giấu tên. Ngày càng có nhiều doanh nhân tiền điện tử, nhiều người trong số họ kiểm soát hàng trăm triệu đô la trong quỹ đầu tư, thực hiện công việc qua tấm hình đại diện bí ẩn trên internet. Những công ty quyền lực nhất trong ngành cũng đã chấp nhận sự thật rằng các kỹ sư tiền điện tử và những người sáng lập thích hoạt động ẩn danh.
Giải thích cho điều này, những người ủng hộ tiền điện tử nói rằng ẩn danh tạo ra một thị trường bình đẳng hơn, trong đó các doanh nhân được đánh giá dựa trên chuyên môn kỹ thuật hơn là nền tảng học vấn hoặc gia đình của họ. Blockchain cung cấp hồ sơ công khai về các giao dịch, cho phép những người chơi hiểu biết đánh giá trình độ của một doanh nhân vô danh mà không cần tham khảo CV của họ.
Amy Wu, người đứng đầu nhánh đầu tư mạo hiểm của FTX, cho biết đôi khi cô hợp tác với những nhà đầu tư ẩn danh mà cô gặp trực tuyến, một trong số đó là một tài khoản Twitter nhại lại Elon Musk hiện có gần hai triệu người theo dõi. “Tôi không biết anh ta là ai. Tôi không biết anh ấy đã làm việc ở công ty nào. Và tôi không cần. Tôi biết rằng anh ấy là chuyên gia trong lĩnh vực này,” Amy Wu nói.
Trong năm ngoái, công ty đầu tư mạo hiểm Paradigm cũng đã thuê các kỹ sư và nhà nghiên cứu hoạt động ẩn danh; họ xuất hiện trên web của công ty dưới các biệt danh. Người được tuyển dụng gần đây nhất là một kỹ sư tiền điện tử, có biệt danh là Transmissions11 và học cấp 3 “trong thời gian rảnh rỗi” (theo bio giới thiệu của người này).
Trong các cuộc phỏng vấn, các doanh nhân và kỹ sư tiền điện tử ẩn danh đã đưa ra nhiều lý do để che giấu tên thật. Một số lo ngại rằng những điều chỉnh về luật có thể đặt họ vào thế khó với các cơ quan thực thi pháp luật. Những người khác thì nói rằng họ không thích bị chú ý hoặc lo lắng rằng việc ngày càng trở nên giàu có có thể biến họ thành mục tiêu của những tên trộm hoặc hacker.
Nhiều doanh nhân giấu tên còn thực hiện những bước cực đoan hơn để giữ bí mật danh tính của mình, như sử dụng phần mềm thay đổi giọng nói trong các cuộc gọi hoặc yêu cầu các đối tác kinh doanh ký các thỏa thuận không tiết lộ thông tin. Nhưng các công ty mạo hiểm vẫn sẵn sàng đầu tư vào họ.
Năm ngoái, 0xMaki, nhà phát triển giúp điều hành SushiSwap, đã huy động được 60 triệu đô la từ một nhóm các nhà đầu tư mạo hiểm, bao gồm cả Amy Wu của FTX, mà không tiết lộ tên thật của mình cho họ. (Thỏa thuận này đã thất bại sau khi các thành viên của SushiSwap DAO nêu lên lo ngại về nguồn vốn.)
Cũng trong mùa hè năm ngoái, người sáng lập ẩn danh của Alchemix (với biệt danh Scoopy Trooples) đã huy động được 4.9 triệu đô la từ một nhóm các công ty mạo hiểm do CMS Holdings dẫn đầu. Dan Matuszewski, người sáng lập CMS, cho biết ông chưa bao giờ yêu cầu lãnh đạo dự án Alchemix tiết lộ danh tính của mình. “Rất nhiều người trong số họ đã gầy dựng danh tiếng trong nhiều năm qua. Không lý gì họ sẽ bỏ trốn cùng với số tiền,” Dan Matuszewski nói.
2. Vị đắng của văn hoá ẩn danh trong Crypto
Trong crypto, Bitcoin và Ethereum thực thi quy tắc tự động dựa trên sự đồng thuận trong các hợp đồng thông minh, bản thân các cá nhân không quan trọng lắm – cho nên họ không có khả năng để làm điều gì đó xấu. Nhưng với các dự án DeFi, cá nhân lại là bên kiểm soát nguồn quỹ của dự án, và khi dính dáng đến con người, DeFi vẫn cần rất nhiều niềm tin.
Giống như CZ – ông trùm của đế chế Binance từng chia sẻ rằng nếu được lựa chọn, ông sẽ không muốn nổi tiếng. Nhưng Binance phải có một gương mặt đại diện để huy động tiền, thiết lập niềm tin với những khách hàng đã uỷ thác tiền cho công ty. “Tôi biết chúng ta đang ở trong một ngành mà về mặt kỹ thuật, chúng ta không cần niềm tin, nhưng sự thật thì chúng ta vẫn cần đặt niềm tin ở nhiều nơi khác nhau,” CZ nói.
Nhưng niềm tin trong một thế giới ẩn danh thật sự mong manh. Năm ngoái, những người sáng lập ẩn danh của dự án AnubisDAO đã huy động được gần 60 triệu đô la trong vài giờ; và chưa đầy một ngày sau, số tiền này đã biến mất trong đợt rug-pull lớn thứ hai vào năm 2021, theo Chainalysis. Và ai lại có thể tin tưởng để đầu tư vào một dự án với Chef Nomi – đồng sáng lập tai tiếng của SushiSwap, người đã đột ngột thanh lý tài sản mình nắm giữ và khiến giá SUSHI rớt thảm?
“Những nhân vật sử dụng biệt danh này rất nguy hiểm. Họ có thể là ngưới tốt lúc này, nhưng có thể trở nên tồi tệ trong hai hoặc ba năm nữa,” Brian Nguyễn, một doanh nhân tiền điện tử từng mất $400K trong một vụ rug-pull nói. Nạn nhân của những vụ rug-pull này thường vô phương chống lại những tên trộm vô danh.
Trong DeFi, các nhóm phát triển ẩn danh không bị kiểm tra lý lịch, khó chứng minh được độ tin cậy và không bị trải qua nhiều loại kiểm tra an ninh để đảm bảo rằng họ không có tiền án tiền sự hoặc nằm trong danh sách theo dõi bị xử phạt.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi hướng dẫn gần đây của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) tập trung rất nhiều vào DeFi. FATF đưa ra lập luận rằng bởi vì những người chủ chốt (key signer) nắm quyền kiểm soát các quỹ nên về cơ bản việc này biến họ thành các thực thể được quản lý. Ngoài ra, ở một mức độ nào đó các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) có thể sẽ được phân loại là các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo trong những năm tới.
Tất cả những nỗ lực này nhằm để giảm thiểu sự thiếu tin cậy của văn hoá ẩn danh trong không gian crypto.
3. Ẩn danh hay không ẩn danh?
Hiện tại, một số doanh nhân tiền điện tử quyết định sử dụng tên thật khi tham gia thị trường và đôi khi quảng cáo công ty của mình là “fully doxxed”, nghĩa là lý lịch của họ hoàn toàn được công khai. Trong khi những người sáng lập khác lại đang gặp khó khăn hơn trong việc giữ bí mật danh tính khi nhiều bên đang tìm cách “gỡ mặt nạ” của họ.
Gần đây, BuzzFeed News đã phân tích hồ sơ kinh doanh công khai để xác định danh tính của hai người sáng lập ẩn danh của Bored Ape Yacht Club, một bộ sưu tập NFT trị giá 2.5 tỷ USD. Và sự việc này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi. Nhưng nhiều người vẫn nhất quyết giữ kín tung tích của mình, vì nói cho cùng, những người tham gia crypto đang đấu tranh cho sự tự do và tính cởi mở – mà ẩn danh là một nhân tố đại diện.
Tuy nhiên, vấn đề được nêu ra là làm sao để đi lại an toàn giữa lằn ranh tự do ẩn danh và tin cậy vào thiện ý của những người sáng lập?
Joseph Weinberg – đồng sáng lập của Shyft Network, mạng lưới ủy thác dựa trên blockchain lấy lại niềm tin, uy tín và danh tính, phát biểu: “Tương lai mà tôi muốn thấy đối với DeFi, và con đường hướng tới việc áp dụng DeFi hàng loạt, đó là việc thay thế ẩn danh hoàn toàn bằng ẩn danh giả (pseudo-anonymity) dựa trên sức mạnh và tiện ích của việc chứng thực”.
“Pseudo-anonymity” là khái niệm tiết lộ một phần danh tính và thông tin cần thiết cho người khác. Trên chuỗi, chúng ta có thể chứng thực hồ sơ lý lịch của ai đó mà không cần biết tên của họ hoặc tiết lộ thông tin cá nhân được bảo vệ của ai đó. Chúng ta có thể xác định một người nào đó là ai và họ đã làm gì, và sau đó tiết lộ những câu trả lời đó cho những người biết họ – mà không cần từ bỏ danh tính.
Mặc dù bài học nhãn tiền của AnubisDAO vẫn còn đó, nhưng DAO vẫn là một trong những cách được ưa chuộng để ẩn danh trong thế giới tiền điện tử. DAO cho phép mọi người cộng tác và về cơ bản hoạt động giống như các cổ đông trong công ty, nhưng không có tư cách pháp nhân chính thức hoặc chủ sở hữu được nêu tên.
Bất kỳ ai khai thác lợi nhuận sẽ vẫn phải trả thuế, nhưng liên kết các cá nhân trong thế giới thực với các thực thể này là một nhiệm vụ phức tạp hơn nhiều so với việc tìm kiếm hồ sơ công khai để tiết lộ danh tính như trong trường hợp của Bored Apes. Bất kỳ ai cũng có thể theo dõi các giao dịch của một DAO cụ thể và tìm hiểu xem chúng hợp pháp hay đáng ngờ. Mô hình này đã phục vụ tốt cho các doanh nhân ẩn danh, từ “Zeus”, người tạo ra tiền điện tử Olympus, đến “Code Monkey”, người đã thiết lập tiền điện tử Port Finance.
Về phía các công ty tiền điện tử, trước áp lực và hình phạt ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý, họ phải miễn cưỡng đưa ra các biện pháp KYC (xác minh danh tính) nghiêm ngặt.
- Vào tháng 8/2021, Binance đã công bố rằng khách hàng mới sẽ phải cung cấp ID do chính phủ cấp và xác minh khuôn mặt để thực hiện gửi tiền và giao dịch. Điều này theo sau các thông báo của các cơ quan quản lý của Vương quốc Anh và Nhật Bản rằng Binance không được phép hoạt động ở quốc gia của họ.
- BitMEX cũng đã thực hiện một động thái tương tự để tuân thủ KYC một năm trước đó, yêu cầu thông tin về kinh nghiệm giao dịch cũng như nhận dạng, một phần để “đón đầu các quy định đang phát triển”. Người dùng trước đây của BitMEX chỉ cần cung cấp một địa chỉ email.
Tóm lại, ẩn danh hay không ẩn danh và ẩn danh đến mức độ nào vẫn là đang là bài toán đau đầu đối với những người tham gia thị trường tiền điện tử. Nhưng đây là bài toán cần được giải quyết để crypto có thể “chung sống” hoà bình với các cơ quan pháp luật và xây dựng niềm tin bền vững cho cộng đồng. Vì giống như Aaron Lammer, thành viên nhóm DeFi tại công ty giao dịch tiền điện tử Radkl và người dẫn chương trình podcast ‘Exit Scam’ đã nói: “Nếu bản chất ẩn danh của DeFi có nghĩa là một người như Michael Patryn có thể phụ trách một kho bạc lớn của DeFi, thì đó là một vấn đề khá nghiêm trọng”.